Làm thế nào để tháo gỡ nỗi sợ Sếp khi mới đi làm?
“Sợ Sếp như sợ cọp” là tâm lý dễ gặp ở nhiều nhân viên, nhất là các bạn trẻ mới đi làm. Bạn thường cảm thấy rụt rè, sợ hãi mỗi khi gặp Sếp? Nỗi sợ này ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình làm việc cũng như kìm hãm năng lực bạn được phát huy tối đa. Vậy làm thế nào để tháo gỡ nỗi sợ Sếp khi mới đi làm?
Chủ động xóa bỏ khoảng cách với Sếp
Đừng thụ động chờ Sếp nói chuyện và giao việc cho bạn, mà hãy chủ động trao đổi với Sếp các vấn đề liên quan đến công việc. Chẳng hạn hỏi Sếp có việc gì mới giao cho bạn không, hoặc phần việc này nên làm cách nào tốt nhất…
Thường xuyên nói chuyện, trao đổi với Sếp là cách giúp bạn xóa bỏ khoảng cách giữa 2 người. Chưa kể, đây cũng là cơ hội giúp một người trẻ mới đi làm như bạn được lĩnh hội thêm nhiều kiến thức mới và kinh nghiệm quý giá trong công việc.
Chủ động nói chuyện với Sếp giúp bạn hiểu hơn về con người và tính cách của Sếp. Qua đó, bạn có thể cảm thấy quý mến và làm việc với Sếp ăn ý hơn. Ngoài ra, thỉnh thoảng bạn nên đi ăn trưa hoặc uống cafe với Sếp để xóa bỏ khoảng cách nhanh chóng hơn.
Chăm chỉ và hoàn thành tốt công việc
Cách hiệu quả nhất để thoát khỏi chứng sợ Sếp chính là chăm chỉ làm việc và hoàn thành tốt công việc của mình. Khi bạn đã nỗ lực hết mình làm tốt mọi nhiệm vụ được giao và không phạm sai sót gì, thì chẳng có lý do gì khiến bạn phải sợ Sếp cả.
Một nhân viên chăm chỉ và giỏi giang sẽ dần có được sự tín nhiệm của Sếp. Lúc này, bạn không những không còn sợ Sếp mà ngược lại còn cảm thấy tự tin hơn nhiều. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa tự tin và tự kiêu bạn nhé. Vì thái độ quan trọng hơn trình độ mà, nhất là với những bạn trẻ mới đi làm.
Sếp là cố vấn giàu kinh nghiệm
Thay vì “sợ Sếp như sợ cọp”, bạn hãy xem Sếp là một người cố vấn giàu kinh nghiệm. Sếp có thể cung cấp nhiều thông tin quan trọng và lời khuyên hữu ích cho công việc của bạn. Chỉ cần bạn gạt bỏ sự rụt rè để mạnh dạn đến gặp Sếp, và xin lời khuyên về những khó khăn trong công việc bạn đang gặp phải.
Các vị Sếp thường thích được chia sẻ kinh nghiệm, cho lời khuyên và đóng vai người cố vấn công việc cho cấp dưới. Điều này không chỉ giúp Sếp thể hiện bản thân mà còn hỗ trợ nhân viên làm việc hiệu quả hơn.
Chưa kể, nói chuyện với cấp dưới giúp Sếp hiểu hơn về nhân viên cũng như nghe được nhiều ý tưởng mới lạ từ người trẻ. Nhờ đó, Sếp có thể lập chiến lược quản lý và phát triển nhân viên hiệu quả hơn trong tương lai.
Phong thái làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm
Trước các buổi trao đổi, họp hành hoặc thuyết trình với Sếp, bạn hãy chuẩn bị kỹ lưỡng phần trình bày của bản thân. Không chỉ chuẩn bị nội dung chất lượng mà còn phải tập luyện trước cách nói chuyện, phát biểu ý kiến hay thuyết trình của mình. Phải thể hiện được phong thái tự tin và chuyên nghiệp nhất trong mắt Sếp.
Một nhân viên có phong thái tự tin và cách làm việc chuyên nghiệp sẽ tạo ấn tượng đẹp trong lòng Sếp. Nhờ thế, Sếp có thiện cảm với bạn hơn và dần dần khiến bạn không còn cảm thấy sợ hãi Sếp nữa.
Đặc biệt, cố gắng thể hiện sự trách nhiệm trong công việc để được Sếp đánh giá cao bạn nhé. Chẳng hạn dám đứng lên nhận lỗi khi bạn sai sót trong công việc, hoặc sẵn sàng tăng ca liên tục để hoàn thành kịp deadline Sếp giao…
Không hùa theo hoặc nói xấu Sếp
Nếu bạn đang hùa theo mọi người nói xấu Sếp thì nên ngừng việc này lại ngay. “Lời nói gió bay” mà, bạn có tưởng tượng được chuyện sẽ thế nào nếu việc bạn nói xấu Sếp lọt đến tai Sếp chưa? Nếu chưa đến tai Sếp thì mỗi ngày bạn cũng đều trong tâm trạng lo sợ bị Sếp phát hiện ra. Điều này khiến bạn vốn sợ Sếp lại càng sợ Sếp thêm thôi.
Hy vọng với những chia sẻ trên, các bạn trẻ mới đi làm sẽ sớm tháo gỡ được nỗi sợ Sếp. Chúc các bạn sớm thoát được tâm lý sợ hãi này để có thể tự tin trao đổi công việc với Sếp nhé!
— HR Insider—