Nêu điểm yếu trong CV xin việc có thực sự cần thiết ?
CV xin việc như tấm hộ chiếu giúp bạn vượt qua cửa ải đầu tiên trước khi tiến vào vòng phỏng vấn trực tiếp. Chính vì lý do này, hầu hết ứng viên cố thể hiện năng lực bản thân; lượt bỏ điểm yếu cá nhân nhằm thu hút sự chú ý từ nhà tuyển dụng. Những lầm tưởng đó khiến CV của bạn trở nên thiếu chân thực. Vậy nêu điểm yếu trong CV có thực sự cần thiết ? Điểm yếu nào dễ được chấp nhận? Và cách viết điểm yếu một cách khôn khéo sẽ thực sự giúp bạn tỏa sáng? Hãy cùng Hr Insider tìm hiểu chi tiết hơn nhé.
Trình bày điểm yếu trong CV có thực sự cần thiết ?
Điểm yếu bản thân là gì?
Ở bản thân mỗi người ngoài ưu điểm luôn tồn tại song song những khuyết điểm khác nhau. Những điểm yếu bản thân thường là những thói quen xấu hoặc khiếm khuyết về trình độ, kiến thức, năng lực. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ chú ý nhiều hơn về điểm mạnh, nhưng đôi khi việc xem xét điểm yếu sẽ giúp hiểu rõ hơn về ứng viên và thể hiện sự trung thực trong việc trình bày CV ứng tuyển.
Có nên nêu điểm yếu trong CV?
Trên thực tế, vốn dĩ không ai là hoàn hảo cả. Nên việc trình bày những điểm yếu giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn có khả năng nhìn nhận và tự đánh giá bản thân. Ngoài ra, điều này thể hiện tính trung thực của bạn khi trình bày CV. Hơn thế nữa, khi tự đánh giá được điểm yếu nhà tuyển dụng tin rằng bạn có khả năng hiểu rõ và khắc phục nhược điểm của chính mình.
Tuy nhiên, chúng ta không cần nêu quá chi tiết điểm yếu khiến CV trở nên tiêu cực. Bạn chỉ cần trình bày tối đa ba điểm yếu là đủ.
Những điểm yếu nào thường xuất hiện ở mỗi người
Như đã nêu trên, ngược với điểm mạnh; điểm yếu luôn là những khuyết điểm khiến chúng ta tự ti nhất. Chính vì lẽ đó, nhiều ứng viên rất ngại đề cập đến khiếm khuyết của bản thân. Vì điểm mạnh khiến chúng ta tự tin bao nhiêu, thì ngược lại; điểm yếu như một cú Knockout làm ta tự ti hoặc đôi khi khó đối mặt với khuyết điểm của chính mình. Những điểm yếu thường thấy ở mỗi người như:
- Trình độ chuyên môn kém
- Kỹ năng mềm chưa tốt
- Không biết cách sắp xếp công việc
- Thói quen xấu: chểnh mảng, lười nhác,…
- Ngại giao tiếp
- Kỹ năng tin học văn phòng chưa thuần thục
- Thiếu tự tin khi thuyết trình, phản biện trước đám đông
- Chưa thành thạo tiếng ngoại ngữ (Anh/Hàn/Trung/Nhật…)
- Quá kỹ tính và cầu toàn trong cuộc sống
- Cách giải quyết các vấn đề còn cứng nhắc, chưa linh hoạt
- Tự gia tăng áp lực cho bản thân quá lớn
- Kỹ năng quản lý thời gian còn yếu kém
- Dễ nổi nóng khi bị làm phiền
Tuy nhiên, điểm mạnh – yếu là điều tất yếu luôn tồn lại ở mỗi người. Thay vì lẩn trốn, bạn cần phải phân tích rõ điểm yếu bên trong mình và tìm cách khắc phục chúng.
Bí quyết viết điểm yếu một cách khôn khéo nhất
Trước khi bước đến vòng phỏng vấn trực tiếp, CV là cầu nối quan trọng truyền tải nội dung từ ứng viên đến nhà tuyển dụng. Việc lựa chọn điểm yếu trong CV như một bước đi đầy tính mạo hiểm đối với ứng viên. Tuy nhiên, việc này giúp nhà tuyển dụng đánh giá được độ trung thực của bạn.
Về điểm yếu, bạn không nên nêu quá ba nhược điểm của bản thân. Khi lựa chọn điểm yếu, bạn cần lưu ý ghi những khuyết điểm có thể khắc phục và tốt nhất ít liên quan đến vị trí ứng tuyển. Những thiết sót có thể chấp nhận được chia làm ba nhóm sau:
Nhóm thuộc về tính cách
Bạn có thể liệt kê những điểm yếu như: làm việc nhóm chưa tốt, ngại giao tiếp, hay tự ti về bản thân,… những khuyết điểm này thuộc về yếu tố chủ quan mà bạn hoàn toàn có thể khắc phục được. Hơn thế nữa, việc khéo léo biến khuyết điểm thành ưu điểm cũng là bước đi thông minh dành cho bạn.
Chẳng hạn như ứng tuyển vào vị trí kế toán, bạn có thể nêu khuyết điểm bản thân là trầm tính. Tính cách bạn cho là nhược điểm này lại không hoàn toàn là yếu điểm với vị trí ứng tuyển. Bởi kế toán không cần quá sôi động, chỉ cần trầm tính và cẩn thận là đủ.
Nhóm thuộc về kỹ năng
Chắc hẳn đọc đến đây nhiều bạn thắc mắc kỹ năng là phần quan trọng tại sao lại liệt vào nhóm yếu điểm có thể bỏ qua. Thực tế, bạn không cần quá thổi phồng lên mức độ quan trọng của kỹ năng khi bạn hoàn toàn có thể bổ sung và trau dồi trong quá trình làm việc. Quan trọng bạn phải thể hiện rõ ý chí cầu tiến, ham học hỏi và sẵn sàng lăn xả vì công việc. Những kỹ năng bạn có thể xem xét thêm vào điểm yếu CV như: cách quản lý thời gian, kỹ năng sắp xếp công việc, khả năng giao tiếp ngoại ngữ,.. Đừng quá lo lắng khi phô bày khiếm khuyết, hãy thể hiện quyết tâm khắc phục điểm yếu để nhà tuyển dụng thấy bạn có khả năng phân tích và chịu khó trau dồi bản thân.
Nhóm thuộc về thói quen
Bạn có thể liệt kê những thói quen như: quá cầu toàn trong công việc, thích ôm nhiều việc cùng lúc,…Tóm lại, bạn có thể liệt kê thói quen sao cho không ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Dù sao cũng chẳng nhà tuyển dụng nào đánh rớt ứng viên vì những thói quen không liên quan đến công việc cả.
Những sai lầm cần tránh khi viết điểm yếu vào CV
Viết điểm yếu vào CV có thể giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về bạn, tuy nhiên bạn cần tránh một số sai lầm sau:
Viết quá lan man, dài dòng
Khi trình bày thông tin trong CV ở các mục, các nhà chuyên gia khuyên ứng viên không nên viết dài dòng, dài miên man, lòng vòng, đặc biệt là mục điểm yếu. Bạn nên viết ngắn gọn, súc tích và nêu rõ được ý mà bản thân muốn thể hiện. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm bắt nhanh chóng và không mất quá nhiều thời gian khi đọc qua CV của bạn. Bên cạnh đó, việc viết dài dòng ở phần điểm yếu trong CV còn có thể khiến nhà tuyển dụng đánh giá không tốt về độ phù hợp của bạn với vị trí đang ứng tuyển.
Thừa nhận nhược điểm quá nhiều
Ông cha ta bảo rằng “Tốt khoe xấu che”. Vì vậy, đừng dại dột mà liệt kê “tràng giang đại hải” các nhược điểm trong CV. Thay vào đó, bạn chỉ nên nêu 1 – 3 nhược điểm tượng trưng nhằm giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ bạn hơn.
Một sai lầm mà nhiều ứng viên mắc phải là liệt kê các nhược điểm không liên quan gì đến công việc đang ứng tuyển. Chính những điều này đã khiến nhà tuyển dụng có những đánh giá tiêu cực hoặc sai lầm về năng lực của ứng viên. Qua đó, cơ hội trúng tuyển cũng vụt mất theo những nhược điểm đó.
Không đưa ra phương hướng khắc phục
Viết điểm yếu mà không đưa ra kế hoạch để cải thiện sẽ làm nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không có động lực và sẽ không cải thiện được. Do đó, nếu có những điểm yếu không thể thay đổi được hoặc nằm ngoài khả năng cải thiện của bản thân thì bạn không nên trình bày chúng trong CV. Bạn chỉ nên liệt kê những điểm yếu mà bạn nhận thấy mình có thể cố gắng cải thiện và khắc phục nó trong tương lai. Và tốt nhất là trình bày kế hoạch cải thiện để ghi điểm với nhà tuyển dụng nhé!
Thiếu trung thực
Việc viết điểm yếu quá chung chung hoặc thiếu trung thực cũng là những sai lầm bạn cần tránh khi trình bày trong CV. Bởi không một nhà tuyển dụng nào chấp nhận ứng viên không trung thực. Khi bạn cố ý viết sai hoặc che dấu thì đến vòng phỏng vấn trực tiếp nhà tuyển dụng cũng sẽ nhận ra. Vì thế, bạn nên viết những điều đúng về thông tin của mình. Tuy nhiên, hãy dùng từ thật khéo léo để những điểm yếu đó không làm trở ngại con đường chạm tay vào công việc yêu thích của bạn nhé!
Thực tế cho thấy rằng, những vết sẹo không hoàn hảo luôn dễ dàng chấp nhận hơn sự thật bị dối lừa. Thế nên, bạn phải trung thực trong việc chọn ghi điểm yếu trong CV; đừng đưa vấn đề đi xa với thực tế. Mặc dù, không ai muốn người khác biết yếu điểm của bản thân; nhưng biết cách đưa khuyết điểm một cách tinh tế lại trở thành đòn bẩy tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Với những chia sẻ nêu trên, hy vọng sẽ giúp các bạn ứng viên biết cách trình bày điểm yếu trở nên tinh tế hơn.
Nguồn: Vietnamwork
---------------------------------------
Đề cập nhật các thông tin về Tập đoàn Hoa Sen. Quý độc giả có thể theo dõi thông tin tại các kênh:
- Fanpage Tập đoàn Hoa Sen: https://www.facebook.com/hoasengroup.vn
- Fanpage Hoa Sen Home: https://www.facebook.com/www.hoasenhome.vn
- Website Hoa Sen Group: http://http://hoasengroup.vn/